Giới thiệu ngành Luật
Luật là gì?
Luật hay còn gọi là pháp luật đã có từ rất lâu trong lịch sử xã hội loài người, nó xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước. Xuất phát từ nhu cầu quản lý xã hội, Nhà nước đã ban hành luật và sử dụng nó với tư cách là công cụ hữu hiệu nhất để giữ gìn trật tự trong xã hội. Ví dụ: Nhà nước muốn duy trì chế độ hôn nhân một vợ một chồng hay chế độ đa thê thì tất cả đều được luật hóa. Điều quan trọng là pháp luật mang tính bắt buộc mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội phải thực hiện. Khi xã hội ngày càng phát triển nhu cầu hiểu biết pháp luật ngày càng cao. Nhiều quy định mới của pháp luật ra đời trong xã hội hiện đại. Ví dụ: Trước đây khi chưa có thị trường chứng khoán thì chưa có các quy định trong lĩnh vực pháp luật này. Ngày nay, thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư màu mỡ và sôi động thì có hẳn những văn bản quy phạm pháp luật riêng cho lĩnh vực này. Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật của nước ta vô cùng đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, người ta thường hay phân chia những lĩnh vực pháp luật chủ yếu gồm: luật kinh tế, luật dân sự, luật hình sự, luật hành chính và trong thời kỳ hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế chúng ta còn phải kể tới lĩnh vực luật quốc tế (công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế). Sự phân chia này cũng mang tính chất tương đối vì sự giao thoa giữa các lĩnh vực rất lớn.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đào tạo ngành Luật, đây là ngành học mang tính chất rất tổng hợp. Sinh viên sẽ được học những lĩnh vực pháp luật kể trên nên khi ra trường sinh viên của trường có thể tham gia vào nhiều công việc ở rất nhiều ngành nghề khác nhau.
Ngành Luật học những gì?
Sinh viên ngành luật được nghiên cứu, học tập những nội dung pháp luật về hiến pháp, hành chính, hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, môi trường, tư pháp quốc tế, công pháp quốc tế… Có thể nói, sinh viên luật sẽ có sự hiểu biết rất rộng do đặc thù luật điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, sinh viên luật được học Luật thông qua những tình huống thực tế nên tính hấp dẫn của các môn học rất lớn. Giảng viên đưa ra những vụ việc, vụ án thực tiễn và yêu cầu sinh viên tìm các quy định pháp luật để giải quyết. Thậm chí thông qua những giờ học thực tế sinh viên có thể tìm thấy những hạn chế của pháp luật hiện hành và cho ý kiến để cơ quan lập pháp tiến hành sửa đổi, bổ sung pháp luật.
Học ngành Luật ra trường làm nghề gì?
Có thể nói, ngành Luật là một trong những ngành mà sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội tìm kiếm việc làm rất cao. Bởi vì, công việc liên quan đến luật rất nhiều. Người học luật có thể làm việc trong nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt là hệ thống tòa án, viện kiểm sát, cơ quan tư pháp… Người học luật trở thành luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng độc lập làm việc trong các văn phòng luật sư và kí hợp đồng vụ việc với các khách hàng có nhu cầu. Người học luật cũng có thể trở thành giảng viên giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Người học luật cũng có thể trở thành chuyên viên pháp chế cho các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty…
Học Luật có thể làm việc ở đâu?
Bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng cần đến người học luật. Bất kể trường đại học, cao đẳng, trung cấp nào cũng cần có giảng viên giảng dạy pháp luật. Bất kể doanh nghiệp nào cũng cần tư vấn pháp luật. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thường có bộ phận pháp chế chuyên biệt để tư vấn pháp luật. Các văn phòng luật sư luôn luôn thông báo tuyển dụng người học luật vào làm việc.
Tuyển sinh ngành Luật tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh ngành Luật.
- MÃ MÔN TUYỂN SINH VÀ CHỈ TIÊU TUYỂN SINH
STT | Tên ngành | Mã ngành | Mã môn xét tuyển | Chỉ tiêu xét tuyển |
1 | Luật | 7380101 |
A00, A01, C00, D01 | 150 |
- THỜI GIAN TIẾP NHẬN HỒ SƠ:
Nhà trường tiếp nhận hồ sơ ĐKXT từ ngày 28/04/2020, dự kiến công bố trúng tuyển ngày 30/6,
ngày 30/7 và ngày 25/8/2020 (theo giai đoạn).
- ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH
+ Thí sinh đã tốt nghiệp THPT trước năm 2020.
+ Thí sinh đang học THPT.
- PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH
Phương thức 1:Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển tại các Sở Giáo dục & Đào tạo
theo Quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo và hướng dẫn của các trường THPT.
Phương thức 2:Xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT Quốc Gia;
Phương thức 3:Xét tuyển kết quả Học bạ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12)
Phương thức 4:Xét tuyển thẳng tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà
Nội áp dụng đối với các thí sinh sau:
- Thí sinh tốt nghiệp tại các Trường chuyên THPT.
- Thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ Tiếng Anh TOEFL IBT 64/120 điểm hoặc IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương do cơ quan quốc tế có thẩm quyền cấp còn thời hạn hiệu lực sử dụng.
- Thí sinh tốt nghiệp THPT và đạt học lực giỏi 3 năm THPT lớp 10, 11, 12.
- Nghề Luật ngày càng "hot"06.01.2020